Thành ngữ "tiền mặt là vua" đang ứng nghiệm, khi phần lớn nhà đầu tư cho rằng chứng khoán, vàng, ngoại tệ, hay gửi tiền ngân hàng đều không còn hấp dẫn như trước.
Sàn giao dịch chứng khoán lâu nay vắng khách. Những phiên giao dịch ít diễn biến bất ngờ không thu hút được nhiều nhà đầu tư "bám sàn" như trước. Trong khi đó, phố Hà Trung, nơi tập trung nhiều điểm thu đổi ngoại tệ của Hà Nội, mươi ngày trước bất ngờ tắc nghẽn vì lượng người đến gom đôla, nay cũng đã trở lại nhịp đều đều thường ngày.
Với thị trường chứng khoán, phần lớn nhà đầu tư vẫn chọn cách đứng ngoài quan sát. Nhà đầu tư Tuấn tại sàn chứng khoán FPTS cho hay, anh bán phần lớn lượng cổ phiếu từ khi Vn-Index còn ở gần 500 điểm, và từ đó đến nay đứng ngoài thị trường, dù vẫn dư dả và là tiền túi. "Khi Vn-Index ở 600 điểm, nhiều người nghĩ chạm đáy rồi, liền quay lại, nhưng rồi thị trường lại tìm đáy mới", anh Tuấn nhớ lại và coi đây là kinh nghiệm cho mình. Anh cho rằng, vào lúc này, hầu như không có kênh đầu tư nào là thực sự có lợi.
Tác động của khủng hoảng tài chính thế giới và lo ngại về việc nhà đầu tư nước ngoài rút vốn, hoặc tái cơ cấu danh mục, khiến nhà đầu tư trong nước càng trở nên thận trọng. Khối ngoại bán ròng một cách mạnh mẽ, cộng với việc đôla bất ngờ tăng giá làm giới đầu tư đoán già đoán non khối ngoại đã và sẽ đẩy đi bao nhiêu hàng, dù cơ quan quản lý đã có thông tin về động thái của khối này.
|
Nhiều nhà đầu tư chọn cách đứng ngoài thị trường chứng khoán quan sát và chờ đợi. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong khi đó, lực mua của thị trường đều là các lệnh nhỏ, được dự đoán một phần từ các nhà đầu tư cá nhân, và có thể do nhà đầu tư tổ chức chia nhỏ lệnh, hoặc mua ít một để "dò" đáy thị trường. "Chưa biết khối ngoại sẽ dừng việc tái cơ cấu danh mục đầu tư vào lúc nào, trở lại thị trường lúc này có khả năng biến thành "nạn nhân", anh Tuấn lý giải. Nhà đầu tư này đã chuyển một phần vốn sang vàng, nhưng cho hay chứng khoán vẫn là kênh chính. Anh cho biết sẽ đợi đến cuối năm, thời điểm thị trường hằng năm sôi động hơn, để tính chuyện trở lại thị trường.
Sau những tháng thị trường vàng sốt nóng hồi đầu năm với dự báo lạc quan giá vàng cả năm sẽ khó xuống dưới 800 USD mỗi ounce, nhà đầu tư đã phải chứng kiến thị trường lần lượt mất các mốc 750 USD, 700 USD, rồi xuống tới 681 USD. Nhiều nhà đầu tư trong nước thua lỗ nặng, nhưng ít nhất với sàn vàng, họ vẫn có thể ra, vào một cách linh hoạt, đồng thời được phép vay hàng để bán khi có "sóng".
Nhà đầu tư An Phương tại sàn vàng ACB cho hay, trong vài đợt lao dốc trước, không ít người thua lỗ, nhưng gần đây, phần lớn đã kịp thời "thoát hiểm". "Nhà đầu tư có kiến thức giờ đã đủ tỉnh táo để cắt lỗ đúng thời điểm và tính cách gỡ lại dần dần", anh Phương nhận xét. Nhà đầu tư này cũng nhận định, thị trường chứng khoán có khả năng tiếp tục dò đáy trong thời gian tới, nên vàng có thể tạm thời là kênh chia sẻ một phần nguồn vốn.
Tuy vậy, thị trường vàng đang không đi theo nguyên lý vàng là kênh đầu tư thay thế khi kinh tế bất ổn, mà còn chịu tác động của những yếu tố "từ trên trời rơi xuống" như việc bán tháo của các quỹ đầu tư lớn.
Trong khi đó gửi tiền tiết kiệm, vốn không phải là kênh đầu tư được nhiều nhà đầu tư lựa chọn, hiện càng trở nên kém hấp dẫn khi mặt bằng lãi suất lùi xuống 14-15% mỗi năm. Mặt khác, việc khó rút nhanh khi cần vốn linh hoạt, và các chính sách tiền tệ có thể thay đổi, cũng khiến nhiều người muốn tự mình nắm tiền để được chủ động. Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế cho rằng, với những người thận trọng với các kênh đầu tư bất động sản, chứng khoán và đôla, thì gửi nhà băng lại là lựa chọn hiệu quả. "Nên gửi ngân hàng hưởng lãi suất ở những kỳ hạn dài, dù so với lạm phát, người gửi tiền không có lãi suất thực dương, nhưng vẫn hơn là để tiền không làm gì", ông này nói.
Với ngoại tệ, sau ít ngày giá đôla tăng mạnh mới đây, giới đầu tư đã tính đến một đợt chốt lời. Phần lớn nhà đầu tư cho rằng, ngoại tệ không phải là kênh đầu tư lâu dài, mà chỉ để tranh thủ thời cơ kiếm lợi nhuận, trước khi có biện pháp điều chỉnh từ cơ quan quản lý.
Theo chuyên gia kinh tế Trần Bá Tước, những bất ổn từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sẽ khiến vàng trở thành nơi trú ẩn hiệu quả cho đồng vốn. Tuy nhiên, diễn biến giá vàng hiện nay lại có vẻ nghịch lý khi mức giá liên tục giảm. Theo ông Tước, do tài chính các nước thiếu thanh khoản cho nên họ phải bán ra để giải quyết những bất ổn của nền kinh tế, nhưng về lâu dài, vàng vẫn là giải pháp an toàn cho đồng vốn.
Trong khi đó, giá đôla biến động bấp bênh, chứng khoán chưa xác định rõ xu hướng và cần khoảng thời gian để thị trường tài chính thế giới phục hồi. Thị trường trong nước do vậy cũng sẽ lắng đọng theo. Riêng lãi suất huy động ở ngân hàng hiện nay đã ở mức âm so với lạm phát, nên không còn hấp dẫn đối với người gửi tiền, ông Tước nói.
Trong khi đó, theo ông Trần Anh, Phó giám đốc Ban chiến lược và phát triển dịch vụ thuộc Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PVS), suy thoái cũng có thể là cơ hội kiếm lợi cho giới đầu tư. Trong thời kì suy thoái, giá cả tăng cao khiến các Chính phủ năng động hơn, doanh nghiệp cũng nâng cao sức cạnh tranh nếu không muốn phá sản.
"Đây chính là thời cơ tốt để các nhà đầu tư định giá chính xác doanh nghiệp niêm yết, thiết lập cho mình một danh mục đầu tư tối ưu, đem lại hiệu quả cao khi kinh tế dần hồi phục", ông Trần Anh nhận định. Mặt khác, kinh tế đi xuống, thị trường chứng khoán chao đảo, cũng giúp nhà đầu tư nhìn lại cách thức cũng như tâm lý đầu tư.
Theo vnexpress.net